Ai cũng có mỡ bụng, kể cả người cơ bụng phẳng lỳ. Điều đó là bình thường. Tuy nhiên, nếu mỡ bụng quá nhiều có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn.
Đôi khi mỡ nằm ngay dưới lớp da. Tuy nhiên, mỡ cũng có thể sâu trong cơ quan nội tạng như quanh tim, phổi, gan và những cơ quan khác. Mỡ nội tạng (visceral fat) có thể tiềm ẩn vấn đề lớn hơn về sức khỏe, ngay cả với người gầy.
Mỡ bụng
Bạn cần một chút mỡ nội tạng, bởi nó như lớp đệm xung quanh bảo vệ cơ quan nội tạng. Nhưng nếu lớp mỡ quá dày, quá nhiều, bạn có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường type 2, bệnh tim, sa sút trí tuệ và một số bệnh ung thư, trong đó có ung thư vú và ung thư ruột.
Nhưng chất béo không chỉ nằm ở đó. Nó là một phần trong cơ thể bạn, tạo ra nhiều hợp chất khó chịu. Đây là lý giải của PGS. Kristen Hairston, chuyên khoa nội tiết và chuyển hóa tại Trường Y Wake Forest.
Nếu bạn tăng cân quá nhiều, cơ thể bắt đầu dự trữ mỡ ở những vị trí bất thường.
Với tình trạng béo phì gia tăng, nhiều người gặp tình trạng tích tụ mỡ ở những vị trí trên cơ thể nhiều tới mức mỡ tích trữ cả trong các cơ quan nội tạng và quanh tim, GS. Carol Shively tại Đại học Y Wake Forest cho biết.
Bạn có bao nhiêu mỡ bụng?
Cách chính xác để biết bạn có bao nhiêu mỡ đệm xung quanh nội tạng là chụp CT hoặc MRI. Tuy nhiên có một cách đơn giản và rẻ tiền hơn để kiểm tra.
Lấy một chiếc thước dây, quấn quanh eo ở rốn và đo chu vi vòng eo. Nếu kích thước vòng eo dưới 89 cm đối với nữ và dưới 102 cm đối với nam thì mới không đáng lo ngại về sức khỏe.
Eo “quả lê” – hông và đùi lớn hơn vòng eo – được coi là an toàn hơn so với vòng eo “quả táo” (nghĩa là kích cỡ vòng eo lớn hơn cả hông và đùi).
Chuyên gia Hairston lý giải: “Điều chúng tôi thực sự muốn nói với cách ví von vòng eo “quả lê và quả táo” đó là, nếu bạn có nhiều mỡ bụng hơn, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn có nhiều mỡ nội tạng hơn”.
Người gầy vẫn có mỡ nội tạng
Kể cả khi bạn gầy, bạn vẫn có thể có nhiều mỡ nội tạng. Việc bạn có bao nhiêu lượng mỡ nội tạng phụ thuộc vào gene di truyền, và phần nào đó tùy thuộc vào lối sống của bạn, đặc biệt là hoạt động vận động của bạn.
“Mỡ nội tạng” rất ưa người lười vận động. Trong một nghiên cứu, ngay cả người gầy đã duy trì chế độ ăn uống hợp lý nhưng do lười vận động nên vẫn có quá nhiều mỡ nội tạng.
Chìa khóa là cần phải vận động, chăm tập thể dục thể thao, dù cho bạn béo hay gầy.
4 bước đánh bay mỡ bụng
4 bước nhằm đánh bay mỡ bụng bao gồm: tập thể dục, chế độ ăn, giấc ngủ và hạn chế stress.
1. Tập thể dục
Siêng năng tập thể dục sẽ giúp giảm béo toàn thân (như mỡ bụng, mỡ đùi,…), giúp cơ thể thon gọn và đặc biệt có thể góp phần giảm lượng mỡ nội tạng không có lợi cho sức khỏe của bạn.
Hãy tập thể dục nhẹ nhàng hoặc vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày, và tập ít nhất 5 ngày trong 1 tuần. Đi bộ cũng được coi là hoạt động thể dục, đặc biệt là dạng đi bộ nhanh khiến bạn đổ mồ hôi và thở nhanh hơn, nhịp tim nhanh hơn bình thường, nó giúp bạn “đốt cháy” chất béo nhanh hơn so với đi bộ thông thường.
Để có kết quả tương tự mà chỉ mất một nửa thời gian, hãy tăng tốc độ đi bộ và tập cường độ cao hơn. Nên đi bộ nhanh, tăng tốc độ khó hơn với bài tập ít nhất 20 phút mỗi ngày, 4 ngày trong vòng 1 tuần.
Nếu bạn đã quen với chế độ tập luyện rồi thì hãy chuyển sang chạy bộ hoặc đi bộ nhanh trên máy tập nếu bạn chưa sẵn sàng chạy bộ.
Theo TS. Cris Slentz, nhà nghiên cứu của Đại học Duke, tập luyện với bài tập trên xe đạp trong phòng gym hoặc máy tập elip hay động tác chèo thuyền trên máy tập cũng rất hiệu quả.
Bài tập tăng nhịp tim cường độ nhẹ trong vòng 30 phút, ít nhất 3 lần mỗi tuần cũng rất tốt. Bài tập này làm chậm lại quá trình béo bụng. Nhưng để “đốt cháy” chất béo nội tạng, bạn có thể cần phải tăng cường độ tập luyện.
“Quét lá trong sân, đi bộ, làm vườn, nhảy Zumba, đá bóng với con bạn. Không nhất thiết phải ở trong phòng tập thể dục, bạn vẫn có thể vận động nhằm giảm mỡ bụng”, chuyên gia Hairston nói.
2. Chế độ ăn uống
Mặc dù không có chế độ ăn kỳ diệu nào có thể giảm mỡ bụng tuyệt đối, nhưng khi bạn giảm cân, thường bạn sẽ giảm mỡ bụng trước tiên.
Ăn đủ chất xơ là một trong những giải pháp “đánh bay” mỡ bụng. Nghiên cứu của PGS.TS. Hairston cho thấy những người ăn 10 g chất xơ hòa tan mỗi ngày (dù không ăn kiêng) tích tụ ít chất béo nội tạng theo thời gian so với những người khác.
Để ăn đủ 10 g chất xơ hòa tan mỗi ngày hết sức đơn giản. Chỉ cần ăn 2 quả táo tây, một chén đậu xanh hoặc nửa chén đậu pinto là bạn đã có đủ lượng chất xơ này rồi.
PGS. Hairson cho biết thêm, thậm chí thay vì ăn bánh mỳ trắng, hãy chuyển sang loại bánh mỳ giàu chất xơ hơn, bạn có thể giữ thân hình cân đối theo thời gian.
3. Giấc ngủ
Ngủ đủ giấc giữ cho việc duy trì vóc dáng của bạn. Ngủ quá nhiều hay quá ít đều ảnh hưởng tới cân nặng của bạn.
Trong một nghiên cứu, những người ngủ từ 6-7 tiếng mỗi đêm sẽ tích ít chất béo nội tạng hơn trong 5 năm so với những người ngủ từ 5 tiếng trở xuống hoặc 8 tiếng trở lên mỗi đêm. Giấc ngủ có thể không phải là điều duy nhất gây tăng cân, nhưng cũng là một nhân tố giúp cho bạn giảm được mỡ bụng hay không.
4. Hạn chế stress
Stress là điều mà mọi người đều gặp phải. Nhưng bạn vượt qua nó thế nào mới là điều quan trọng.
Cách tốt nhất để vượt qua stress là thư giãn bên người thân và gia đình bạn. Các hoạt động như thiền, tập thể dục và giải tỏa tâm lý sẽ giúp bạn dễ dàng đạt trạng thái cân bằng, vui vẻ, hạnh phúc.
Theo chuyên gia Shively, tập thể dục rất hữu ích bởi nó có thể “đánh bay” béo phì và stress. Khi cơ thể cân đối và khỏe mạnh, vóc dáng của bạn cũng đẹp theo. Đặc biệt, lớp mỡ bụng dày, đặc biệt là mỡ nội tạng “đáng ghét” cũng được “đốt cháy” qua các bài tập thể dục.